Truyen30h.Com

[Tiểu thuyết lịch sử Việt ] Đại Việt đệ nhất thương gia

Q2. Chương 109 - Một người ốm, cả họ lo

Sai_Nguyen

Những ngày vương phủ mở cửa đón khách, quản gia Đại Hành ra lệnh toàn thể người hầu không được đi lại lung tung. Thậm chí, mỗi ngày tới giờ khám bệnh ông ấy sẽ cho thị vệ tới tận cửa đón sư tổ và Nguyễn Thị La còn ta và Linh thị bị cấm không thể ra ngoài. Ta cùng Linh thị ngoan ngoãn ở trong tiểu viện làm nhiệm vụ dọn dẹp, những việc nặng nhọc khác như xách nước, đưa cơm thì đã có thị vệ và Đào thị làm. Thấm thoát mới đó mà đã qua mười mấy ngày mà chúng ta không hề bị ai hỏi tới.

Nghe Nguyễn Thị La mỗi ngày trở về kể lại, bệnh tình của lão cáo già lúc tốt lúc xấu. Người ta thường nói người già tính tình như trẻ con quả thật đúng, lúc đại vương ngoan ngoãn nghe lời thầy lang ăn uống thanh đạm, ngủ nghỉ điều độ thì lập tức có tiến triển tốt. Nhưng chỉ được dăm ba bữa, hễ có người tới thăm là lão cáo già đã không kìm được mà tổ chức một bữa tiệc rược hoành tráng. Hậu quả là sáng sớm ngày hôm sau lại trải qua một trận thập tử nhất sinh, khiến các vị quý nhân trong phủ được một trận xanh mặt còn sư tổ lại có dịp ra oai, từ đại vương tới quảng gia đều bị ông lão mắng cho một trận. Đúng là lúc không có bệnh thì ai cũng có thể thét ra lửa, bệnh vào rồi thì tới thiên hoàng lão tử cũng phải nghe theo thầy lang.

Trong thời gian này, người tới chào hỏi rất nhiều, từ quan lại trong triều tới vương hầu quý tộc. Người ra, người vào nườm nượp, không đếm xuể. Ta không để ý hết những nhóm người ấy, chỉ chăm chăm giữ mình, tuy nhiên vẫn không thể không để tâm tới một số nhân vật quan trọng.

Tới vương phủ sớm nhất chính là Huệ Vũ Vương và Trần Thiệu Nghĩa. Họ tới rồi liền ở lại hai gian viện phía Tây của Vương phủ. Qua vài ngày, thượng hoàng mang theo rất nhiều vị đại sư đức cao vọng trọng tới thăm, sau đó đương nhiên không ở lại mà mang theo tăng chúng tới ở chùa Thanh Mai ở vùng lân cận. Ta đoán trong đoàn tăng chúng này hẳn cũng có cả Chế Mân, người vẫn luôn đi theo bên ông ấy từ sau khi giả chết ở Chăm Pa.

Thượng hoàng vừa di giá, thái hậu cùng Anh Nguyệt quận chúa liền ghé qua, nghe nói thượng tướng quân vì chiến sự ở Ai Lao nên không thể đi cùng. Thái hậu nán lại ở Kinh thành đợi quận chúa tới rồi mới cùng đi. Đây vốn là quê nhà của cả hai vị này nên họ đương nhiên trở về khuê phòng của bản thân trước khi xuất giá ở phía Đông Vương phủ. Nghe Đào thị kể, Huệ Vũ Vương rất hay mang theo Đốc tướng quân Trần Thiệu Nghĩa đi qua bên ấy thăm thái hậu. Nhờ vậy người được lợi đương nhiên là chúng nữ tỳ, bà mụ trong vương phủ, hễ thấy hai người bọn hắn đi qua lại được dịp kiếm cớ chào hỏi, vì thế mà dù đã giữa hè mà Vương phủ vẫn tràn ngập hoa đào.

Nhắc tới Trần Thiệu Nghĩa, tình cảm trong lòng ta với hắn không biết nên dùng từ gì để mô tả. Có đôi lúc, giữa đêm thanh vắng, ta không ngủ được liền đứng rất lâu trước cửa viện, trong lòng như có ngọn lửa cháy thôi thúc ta phải đi tới nhìn hắn. Ta nhớ hắn, nhớ tới cồn cào cái cảm giác được hắn yêu thương, nhớ sự an toàn trong vòng tay của hắn, muốn chạy tới nhào vào lòng hắn khóc to một trận. Ta muốn cầu xin hắn bỏ tất cả mang ta đi, đi đâu cũng được, hắn có tài, ta có lực, dù không có chốn dung thân ở Đại Việt này thì có làm sao? Nhưng mỗi khi bàn chân muốn dời bước đi thì ta lại bị cảm giác tội lỗi chặn lại, ta không quên mình tới đây là để tìm hiểu sự thật về mẹ, lẽ nào cứ như vậy mà bỏ đi? Hơn nữa, một kẻ tàn hoa bại liễu như ta thì lấy tư cách gì yêu cầu Trần Thiệu Nghĩa phải từ bỏ tất cả vì bản thân mình?

Nhờ hắn giúp đỡ ư? Ta cũng đã nhiều lần nghĩ tới, ta biết hắn sẽ không từ chối ta. Nhưng hắn giúp ta rồi, ta sẽ cho hắn được cái gì đây? Nghĩ rồi lại nghĩ, nhiều ngày liền ta không dám bước chân khỏi cửa viện, chỉ sợ đi một bước rồi ta sẽ chạy tới chỗ hắn.

Ta chưa kịp đấu tranh xong với lý trí của bản thân thì Hưng Nhượng Vương đã mang theo người nhà tới. Thì ra ông ta cử Trần Thiệu Nghĩa đi trước để tiền trạm.

Dù trong mắt người đời phụ tử họ không ưa gì nhau, tuy nhiên đạo hiếu làm đầu, nghe nói Hưng Đạo Đại Vương chỉ bắt Hưng Nhượng Vương cùng người nhà đứng phơi nắng đợi nửa ngày từ tinh mơ tới lúc mặt trời đứng bóng, khô tóc, sạm da rồi mới cho họ vào thăm. Nói với người ngoài là như vậy, nhưng ta nghĩ với những nhà quyền thế như nhà Hưng Nhượng Vương, kể cả có phải đứng đợi thì bên cạnh chắc chắn sẽ có mấy chục người hầu cầm phướn che nắng, quạt mát đầy đủ, đứng nửa ngày thì người khô tóc sạm da cũng chỉ là người hầu nhà họ mà thôi.

Sau Hưng Nhượng Vương, Chiêu Văn Vương đã từng ghé qua nhưng không ở lại tại Vương phủ mà tới phủ đệ riêng của thuộc hạ ở Chí Linh. Nghe nói, người thuộc hạ này của ông ta là một phó tướng dưới trướng đại tướng quân Yết Kiêu, chuyên huấn luyện thủy quân. Không cần nghĩ cũng biết Chiêu Văn Vương tới đó trước là để nghỉ lại, sau chính là thăm dò thế lực thủy quân ở Vạn Kiếp. Nước đi này của Chiêu Văn Vương không hề bất ngờ. Vạn Kiếp quân trong tay Hưng Đạo Đại Vương hiện đang do bốn đại tướng quân Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Nguyến Địa Lô thống lĩnh. Nói dại miệng, lỡ như lão cáo già có mệnh hệ nào, bốn đại tướng quân sẽ như rắn mất đầu, Chiêu Văn Vương lại đã có một thuộc hạ làm phó tướng trong quân, muốn thâu tóm cánh thủy quân của tướng quân Yết Kiêu cũng không phải là không thể.

Nhân Huệ Vương mang theo con nuôi cũng tới chào hỏi một lần. Chưa nói tới việc quản gia Đại Hành có dám mời ông ta ở lại hay không, nội với tài lực của Nhân Huệ Vương, đương nhiên không chịu được sự giản dị của vương phủ. Ông ta mang theo người trở về phủ đệ của mình ở Chí Linh. Nghe người trong thiên hạ truyền miệng, nơi ấy vốn có căn tướng quân phủ của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, thân phụ của Nhân Huệ Vương trước khi ông được thái thượng Hoàng nhận làm con nuôi. Năm xưa, sau khi bị tước quyền vì tư thông trọng án, Nhân Huệ Vương đã trở về nơi này làm nghề bán than, nhờ vậy mới có nhân duyên thu nhận Trần Khánh Toàn. Hẳn là sau khi gây dựng lại thế lực, căn hầu phủ này đã được tu sửa tráng lệ hơn nhiều.

Ngày Nhân Huệ Vương tới, nghe người hầu trong vương phủ bàn tán, vì an toàn của Đại Vương, đương nhiên là chỉ có một mình Nhân Huệ Vương được mời tới hậu viện thăm và dùng cơm cùng lão cáo già. Toàn bộ tùy tùng đi cùng ông ấy đều phải đứng đợi ở tiền viện. Chính vì vậy mà người hầu trong vương phủ được dịp mở to mắt ngắm đệ nhất mỹ nam Đại Việt Trần Khánh Toàn. Tỳ nữ trong phủ truyền nhau câu chuyện, ngày Đốc tướng quân tới, chị em trong phủ thương nhớ tới bỏ cơm, tới khi nhìn thấy đệ nhất mỹ nhân Trần Khánh Toàn rồi thì ngay cả nam nhân trong phủ cũng tương tư tới tay chân bủn rủn. Tuy nhiên, mất hứng ở chỗ bên cạnh đại mỹ nhân Trần Khánh Toàn còn có một cặp cha con vừa béo, vừa xấu, lại còn hống hách không coi ai ra gì.

Chỉ nghe tới đây, ta cũng đoán được cha con họ Đinh kia hẳn là không bị cơn bão ngày nọ ảnh hưởng. Nếu đã như vậy, có lẽ nhóm người của Phùng Thanh và Chi thị đang ở chỗ bọn hắn. Ngày hôm ấy, ta ở trong viện mà như ở trên chảo lửa, vừa muốn chạy ra xem liệu Chi thị có bình an hay không lại vừa tự nhắc nhở bản thân không được manh động.

Cũng may, hôm ấy không có thị vệ nào rảnh rỗi, Linh thị phải cùng Đào thị ra ngoài xách nước, lấy cơm. Linh thị nhanh trí rủ Đào thị tới góc tường nhìn trộm, vừa trở về liền nhìn ta mừng mừng tủi tủi gật đầu. Nàng ấy nói cả Chi thị và nhóc Lâm đều còn sống, vô cùng khỏe mạnh. Để tránh tai mắt người ngoài, Chi thị giả trang thành một thị vệ dắt ngựa nhưng Linh thị vừa nhìn qua liền nhận ra, nhóc Lâm cùng Chu Minh đều ở bên cạnh nàng ấy. Trong khi đó, Trọng Lâm và Phùng Thanh lại không thấy mặt. Ta liền phỏng đoán, để tránh lộ thân phận, Phùng Thanh và Trọng Lâm đã đi trước tới phủ của Nhân Huệ Vương ở Chí Linh để chờ đợi.

Linh thị hỏi ta có muồn truyền tin tới Chi thị hay không?

Ta dù thương Chi thị thân cô thế cô, nhưng trong tình cảnh tai vách mạch rừng lúc này, ta liền quyết định cứ để nàng ấy cho Trọng Lâm chăm sóc. Với tính cách hồn nhiên của Chi thị, để nàng ấy biết tung tích của ta, ta không dám chắc liệu nàng ấy có thể che giấu sự thật được bao lâu.

..............

Kỳ lạ một điều, đã ngần ấy ngày qua đi, nhân vật lớn nào cũng đã ghé qua khiến Đào thị bấn loạn hóng hớt chạy đi xem đã hai mươi mấy bận nhưng lại tuyệt nhiên không nghe thấy tin nhà vua di giá tới Vương phủ.

Rõ ràng ngày ấy chú Đạt đã nhận được tin thì không thể nào giả. Từ kinh thành tới Vạn Kiếp nhanh nhất là đi bằng đường thủy, mà hai bên bờ sông Đuống đều là vùng đồng bằng châu thổ, dễ thủ khó công, thuyền rồng xuôi tới đây không thể có chuyện bất trắc làm chậm trễ. Từ thái độ cấp bách của người đưa tin hôm ấy, chắc chắn Trần Thuyên chỉ chậm hơn đoàn người của chú Đạt vài ngày, ấy vậy mà tuyệt nhiên lại không hề nghe tin tức gì, cũng không hề thấy quản gia Đại Hành có hành động nào bất thường. Lẽ nào hắn đi nửa đường, nghe nói sư tổ đã kiểm soát được bệnh của lão cáo già nên đổi ý quay trở lại hoàng cung?

Ta vừa lo lắng, vừa thấp thỏm lại chẳng dám hỏi ai. Ngày ngày hết đi ra lại đi vào vì đợi tin của chú Đạt, quét dọn tới quen tay, thậm chí đã có lúc còn tưởng Nguyễn Thị La thật sự là chủ nhân của mình. Cái cảm giác bất lực không thể kiểm soát này khiến sự tự tôn của ta bị tổn thương triệt để.

Mắt thấy quản gia Đại Hành đã dần thả lỏng sự kiểm soát với sư tổ và Nguyễn Thị La, thi thoảng còn để cho họ mang theo Linh thị vào trong tẩm phòng của Đaị Vương. Một ngày nọ, đợi Đào thị đi rồi, ta quyết tâm kéo Linh thị ra một góc nói chuyện.

"Mấy ngày nay em đi theo Nguyễn Thị La vào tẩm phòng của Đại Vương, có thấy trong ấy có ám vệ ẩn nấp không?"

Linh thị suy nghĩ một lúc rồi nói.

"Phòng vệ bên ấy rất là nghiêm. Hôm đầu tiên em theo cô nương đi vào thì có thể cảm nhận thấy có người quan sát. Lão Trúc nói họ chỉ ở đó vài ngày đầu, khi thấy người tới không có hành động khác thường thì sẽ rút dần ra bên ngoài. Đặc biệt những ngày Đại Vương tỉnh táo thì chỉ giữ lại ba bốn thị vệ đứng ngoài cửa."

"Em thấy cách bài trí trong tẩm phòng có điểm gì bất thường không? Người làm ra vào trong ấy có cử chỉ nào đáng chú ý không? "

"Tẩm phòng rất rộng, có ba gian, chính giữa là bàn trà, kệ sách, chái nhà cánh tả là giường ngủ, cánh hữa là nơi để vũ khí tùy thân, chiến giáp và thư tín quan trọng. Lão Trúc, La cô nương và em chỉ có thể đi vào gian chính và chái nhà cánh tả. Cánh hữu được ngăn bằng một tấm môn liêm và kệ sách cao tới trần, từ bên ngoài thì không nhìn rõ những thứ trong ấy. Mỗi khi có người vào thăm Đại Vương, quản gia Đại Hành sẽ đứng chắn ở tấm môn liêm ấy khiến người đi qua không thể bước vào trong."

"Em nghĩ với thân thủ của em, liệu có thể lẻn vào bên trong phòng ấy được không?"

Linh thị thoáng sững người sau đó lại tập trung suy nghĩ. Nàng ấy hiểu những thứ ta cần tìm có tầm quan trọng thế nào, nhưng không như ta dự đoán, sau một lúc Linh thị lại lắc đầu nói.

"Bên trong phòng ấy có thể còn có ám vệ ẩn mình canh gác. Em không dám manh động."

Ta thất vọng xụi lơ tựa lưng vào tường thở dài, cứ thế này thì bao giờ mới có kết quả. Linh thị thấy ta như vậy, nàng ấy liền ngập gừng.

"Thật ra ..."

Ta giật mình ngẩng phắt đầu nhìn nàng. Linh thị đưa tay gãi nhẹ tóc mai nói.

"Em nghe lão Trúc và La cô nương từng bàn bạc, nếu sức khỏe của đại vương cứ tiếp tục tiến triển bất thường trong mấy ngày tới thì họ sẽ phải thay phiên túc trực bên cạnh đại vương. Giờ giờ khắc khắc nhắc nhở ngài ấy phải kìm chế bản thân, phối hợp với thầy lang."

Một lời này của Linh thị khiến ta vui như mở cờ trong bụng. Tốt quá rồi, nếu đã như vậy, ta và Linh thị có thể chia nhau theo bên cạnh lão Trúc và Nguyễn Thị La, sợ gì không có cơ hội điều tra cơ chứ. Ta vui vẻ cầm tay Chi thị dặn dò.

"Nếu đã như vậy, em đi theo Nguyễn Thị La trông đại vương vào buổi sáng, ta sẽ đi theo sư tổ túc trực ở đó vào buổi tối. Chắc chắn sẽ có cơ hội."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Com