Truyen30h.Com

Tuoi 20 Nhung Nam Thang Quyet Dinh Cuoc Doi


Một cuộc trò chuyện nâng cấp
Xã hội được định hình giúp con người xao lãng khỏi những quyết định có sức ảnh hưởng to lớn đối với hạnh phúc của họ, nhằm tập trung sự chú ý vào những quyết định có ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc. Quyết định quan trọng nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải đối mặt chính là người mà ta sẽ kết hôn. Dù vậy, nhưng chẳng có khóa học nào giúp ta lựa chọn một nửa của mình.

--- David Brooks, nhà bình luận văn hóa và chính trị

Năm 2009, David Brooks, cây bút bình luận của tờ New York Times, đã viết một bài báo về
việc ông được đề nghị chuẩn bị một bài diễn văn cho một buổi lễ tốt nghiệp. Trong bài báo
đó, ông nói mình đã bị tắc nghẽn ý tưởng. Ông cảm thấy không được phép nói ra những gì
ông thật sự muốn, đó là hạnh phúc của bạn, nó phụ thuộc vào người mà bạn sẽ cưới hơn là
vào ngôi trường mà bạn theo học. Ông cho rằng các trường đại học tổ chức vô vàn các lớp
học về ký hiệu học, nhưng lại không có một khóa học nào về sự khôn ngoan trong hôn nhân
và đây chính là "con đường cốt yếu khiến xã hội rối loạn". Brooks đã khéo léo quan sát thấy
chúng ta cần phải tiến vào cuộc sống bình dân, đi đến những chương trình thực tế hay talk
show, để lắng nghe những vấn đề trong hôn nhân được thảo luận.
Tôi không biết ông Brooks có nói về vấn đề kết hôn khi phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp
hay không. Nếu có thì tôi có thể hình dung được sự khiếp sợ và giận dữ của các sinh viên
mới tốt nghiệp. Tôi có thể mường tượng thấy cảnh hàng trăm cử nhân đứng đó, đội mũ và
mặc áo thụng, há hốc mồm kinh ngạc và tự hỏi chính xác thì hôn nhân có liên quan gì đến
họ.
Ngay tại thời điểm đó, có lẽ là có rất ít.
Những người trong độ tuổi 20 ngày nay dành nhiều thời gian sống độc thân hơn bất kỳ thế
hệ nào trong lịch sử. Hầu hết trong số họ sẽ trải qua nhiều năm sống tự lập, giai đoạn nào
đó giữa hai cột mốc là gia đình thời thơ ấu và gia đình riêng của chính mình. Thời đại này
mang đến cho nhiều người cơ hội tận hưởng trước khi ổn định cuộc sống và cơ hội để vui
hết mình với bạn bè và người yêu khi họ đang còn nhiều lựa chọn mở ra ở phía trước.
Nhiều người tìm thấy nhau qua bạn bè, còn những người khác quen nhau trên mạng hay
trong thành phố. Nhiều người theo khuynh hướng một vợ một chồng nghiêm túc trong khi
những người khác bắt cặp với càng nhiều người càng tốt. Các học giả và các bậc phụ huynh
lo lắng rằng thời của hôn nhân đã chết, rằng hẹn hò chỉ còn là vay mượn và các cuộc vui
chơi qua đường chính là phương tiện quan hệ mới.
Tuy nhiên, sự ngừng trệ trong hôn nhân là tương đối. Thanh niên Mỹ kết hôn muộn hơn bố
mẹ của họ – trung bình muộn hơn khoảng 5 năm – và con số thống kê này đặc biệt đúng tại
các khu vực thành thị. Hiện nay, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 26 đối với phụ nữ và
28 đối với đàn ông, với hơn một nửa số người trưởng thành kết hôn sau tuổi 25.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là quốc gia có tỷ lệ kết hôn cao nhất trong các nước phương Tây.
Khoảng 50% người Mỹ kết hôn trước năm 30 tuổi, 75% kết hôn trước năm 35 tuổi và 85%
trước năm 40 tuổi. Mặc dù hôn nhân hầu như không có ý nghĩa gì, nhưng đa số những
người trong độ tuổi 20 – nam hay nữ, đồng tính hay dị tính – đều sẽ kết hôn, sống chung
hoặc hẹn hò với một nửa tương lai của mình trong khoảng thời gian 10 năm sau đó.
Cũng giống như chuyện hôn nhân hay mối quan hệ tình cảm đã lỗi thời hoặc bị trì hoãn, việc
thảo luận về các vấn đề này thậm chí còn kém thịnh hành hơn. Các tạp chí nổi tiếng phác
họa một nền văn hóa về năm tháng tuổi 20 đầy những người độc thân gần như bị ám ảnh
với việc né tránh cam kết gắn bó. Nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín, tôi lại được
nghe một câu chuyện khác hẳn. Tôi chưa từng gặp một người nào trong độ tuổi 20 mà lại
không muốn kết hôn hoặc ít nhất là tìm được một mối quan hệ bền vững. Những khách
hàng có cuộc sống hối hả hay công việc cao cấp cảm thấy phải thì thầm mong ước đó và
mong đợi điều tốt đẹp nhất. Dường như việc lên chiến lược về những điều như vậy là quá
thông thường, hoặc ít nhất là không đúng đắn về mặt chính trị. Thậm chí, những khách hàng
tha thiết mong muốn được kết hôn cũng cảm thấy xấu hổ, thậm chí là mê tín, khi phải xác
nhận bất kỳ mơ ước hôn nhân nào của bản thân. Dường như chúng ta tin rằng các mối quan
hệ tình cảm hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Trong khi đó, sự nghiệp là cái mà ta có thể lên kế hoạch. Sự cụ thể trong tham vọng nghề
nghiệp luôn được ngưỡng mộ và ta dành nhiều năm để điều khiển được sự nghiệp của
mình. Các giáo viên tư vấn giúp ta lên quỹ đạo của bậc trung học. Các chuyên gia tư vấn giáo
dục tính phí lên tới 30.000 đô-la để giúp bọn trẻ chuẩn bị hồ sơ đại học. Các trung tâm
luyện thi cung cấp các khóa học và gia sư riêng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đầu vào
đại học. Các cố vấn chuyên ngành giúp ta lựa chọn hướng đi cho đại học và sau đại học. Các
dịch vụ tư vấn thực tập có thể tính phí lên đến hàng ngàn đô-la. Bằng cử nhân kinh doanh
bảo đảm rằng ta được tiếp cận các cơ sở dữ liệu mạng lưới quan hệ. Bằng tiến sĩ chứng
minh chuyên môn của ta.
Khi ta xây dựng sự nghiệp, dường như luôn có sẵn một cuốn sách, lớp học, bằng cấp, tư vấn
viên hay dịch vụ. Có lẽ điều đó là cần thiết vì sự nghiệp rất quan trọng. Nhưng bên trong
quá trình đó, chính vì những thời điểm phải đưa ra lựa chọn này, vẫn còn rất nhiều chỗ để
ta xét thấy việc phát triển nghề nghiệp sẽ không bao giờ có thể so sánh được với việc chọn
người yêu hay bạn đời. Có lẽ đây chính là điều mà David Brooks muốn nói khi ông cho rằng
chọn người bạn kết hôn chính là quyết định quan trọng nhất cuộc đời bạn.
Hôn nhân là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong đời vì có quá nhiều thứ gói
gọn trong đó. Nếu việc xây dựng sự nghiệp cũng giống như dành 12 tiếng chơi bài – được
nhìn các lá bài khi đưa ra quyết định, ra bài với số tiền thắng cuộc hiện tại, có cơ hội mới để
thử vận may hoặc chọn phương án an toàn với mỗi lá bài được rút ra – thì việc lựa chọn bạn
đời cũng giống như việc bạn rời bàn và bước chân sang vòng xoay roulette rồi đặt cược tất
cả tiền vào ô đỏ số 32. Chỉ với một quyết định, bạn sẽ chọn một đối tác cho mọi thứ trong
cuộc sống trưởng thành. Tiền bạc, công việc, phong cách sống, gia đình, sức khỏe, nghỉ
dưỡng, hưu trí và thậm chí cả cái chết đều sẽ trở thành cuộc đua ba chân. Hầu hết mọi khía
cạnh trong cuộc đời bạn đều sẽ quện chặt với nhiều khía cạnh trong cuộc đời người bạn đời
của bạn. Và hãy đối mặt với sự thật rằng nếu mọi chuyện không thành thì bạn không thể gạt
cuộc hôn nhân đổ vỡ sang một bên như gạt một công việc thất bại ra khỏi sơ yếu lý lịch.
Thậm chí khi đã ly hôn, hai người vẫn có thể bị ràng buộc mãi mãi, về mặt tài chính và hậu
cần, khi bạn phải trả học phí và gặp nhau cách tuần để trao đổi bọn trẻ.
Hầu hết những người trong độ tuổi 20 đều nhận thức rõ ràng được sự quan trọng của hôn
nhân. Nếu như "việc tái hôn là khúc khải hoàn của niềm hy vọng trước trải nghiệm cuộc
đời" thì nói như nhà nghiên cứu Jeffrey Arnett, đó cũng là một chiến thắng. Phân nửa những
người trong độ tuổi 20 ngày nay đã bị bỏ lại trong sự thức tỉnh của làn sóng ly hôn và tất cả
đều biết một ai đó đã từng ly hôn.
Trong thế kỷ XX, mọi người muốn giảm thiểu ảnh hưởng của ly hôn. Một số người lớn trong
các cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã tưởng tượng thứ hạnh phúc nhỏ giọt: Họ sẽ hạnh
phúc hơn sau ly hôn; và do đó con cái của họ cũng vậy. Nhưng khi những đứa trẻ đó trưởng
thành, "di sản không mong đợi của ly hôn" là không thể phủ nhận. Nhiều đứa con bước ra từ
những cuộc ly hôn của bố mẹ nói rằng chúng không để ý – hay quan tâm rằng bố mẹ chúng
có hạnh phúc với nhau hay không. Điều mà chúng biết chính là cuộc đời của chúng đã sụp
đổ sau khi bố mẹ chia tay, khi mà mối dây liên kết giữa phụ huynh và chúng đã bị kéo giãn.
Vì vậy, tuy chúng ta vẫn nghe nói rất nhiều về những người trong độ tuổi 20 chỉ muốn vui
vẻ trước hôn nhân vẫn còn đó rất nhiều người đang chờ đợi được cam kết gắn bó với hy
vọng sẽ may mắn trong tình yêu hơn bố mẹ mình.
Muộn hơn không hẳn là tốt hơn. Điều này sẽ giải thích tại sao ngay cả khi độ tuổi kết hôn
trung bình đã tăng lên thì tỷ lệ ly hôn vẫn duy trì mức cố định ở khoảng 40%. Ngày càng
nhiều những người trong độ tuổi 20 cẩn trọng không lao vào hôn nhân khi còn trẻ, tuy
nhiên vẫn còn nhiều người không biết phải làm gì khác ngoài việc đó. Thời đại đã thay đổi,
nhưng cuộc đối thoại mới vẫn chưa bắt đầu.
Một trong những dự án nghiên cứu lớn đầu tiên mà tôi đã tham gia với tư cách nghiên cứu
sinh là theo dõi khoảng 100 phụ nữ xuyên suốt những năm 20 tuổi đến 70 tuổi của họ. Vào
độ tuổi trung niên, mỗi người được yêu cầu viết một trang kể về trải nghiệm khó khăn nhất
trong cuộc đời mình tính cho đến thời điểm hiện tại. Một số câu chuyện nói về những vị sếp
khó tính hay tình yêu đơn phương. Một số ít đề cập đến những căn bệnh hiểm nghèo.
Nhưng phần đông trong những câu chuyện buồn nhất và lê thê nhất là các cuộc hôn nhân
bất hạnh. Một số đã kết thúc bằng ly hôn và một số khác vẫn tiếp tục.
Những người phụ nữ trong nghiên cứu này ở tuổi 21 trong những năm đầu 1960 và 80%
trong số họ đã kết hôn ở tuổi 25. Khi thực hiện nghiên cứu, tôi đang ở những năm cuối của
độ tuổi 20 và vẫn chưa kết hôn. Tôi nhớ mình đã cảm thấy nhẹ nhõm rằng thế hệ của tôi đã
có được sự xa xỉ của việc kết hôn muộn. Tôi đã đinh ninh rằng đội quân của tôi và những
người kế cận sẽ có những cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn vì chúng tôi đã có cơ hội được
khám phá trước khi ổn định cuộc sống. Giờ tôi biết rằng trì hoãn không giúp hôn nhân bền
chặt hơn.
Kết hôn muộn là một xu hướng khá mới, do đó các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu đánh giá
và hiểu được ý nghĩa của vấn đề này đối với các cặp đôi. Rõ ràng hôn nhân trong độ tuổi vị
thành niên là mối quan hệ gắn kết thiếu ổn định nhất và điều này, cùng với những gì chúng
ta đã biết về quá trình trưởng thành diễn ra trong suốt những năm tháng tuổi 20, đã khiến
nhiều người tin rằng kết hôn càng muộn càng tốt. Đây không hẳn là những gì mà các nhà
nghiên cứu phát hiện ra.
Những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy kết hôn sau độ tuổi vị thành niên thật sự có bảo vệ
các cuộc hôn nhân tránh khỏi ly hôn, nhưng điều này chỉ đúng cho đến độ tuổi 25. Sau tuổi
25, độ tuổi kết hôn sẽ không giúp bạn đoán trước được khả năng ly hôn. Các phát hiện này
đi ngược lại quan điểm rằng bạn nên trì hoãn hôn nhân càng lâu càng tốt.
Những người vợ hoặc người chồng lớn tuổi có thể chín chắn hơn, nhưng việc kết hôn muộn
sẽ dẫn đến những thách thức riêng của nó. Thay vì cùng nhau trưởng thành qua những năm
tháng tuổi 20 đang định hình, những người kết hôn muộn có lẽ đã tìm được con đường của
riêng họ. Và một chuỗi những mối quan hệ thiếu cam kết, thậm chí là mang tính phá hoại, có
thể tạo ra những thói quen xấu và niềm tin bị xói mòn trong tình yêu. Và mặc dù việc tìm
kiếm có thể giúp bạn tìm được nửa kia tốt đẹp hơn thì số lượng những người độc thân phù
hợp với bạn sẽ giảm dần theo năm tháng, có lẽ theo nhiều cách khác nhau.
Trên đây đều là những vấn đề đáng xem xét thực sự, nhưng thách thức mà tôi nghe nhiều
nhất trong các buổi trị liệu của mình lại liên quan đến cái gọi là Giới hạn tuổi 30. Giới hạn
tuổi 30 là mối quan ngại lặng lẽ nhưng dai dẳng mà rất nhiều người trong độ tuổi 20 đang
phải đối mặt. Chúng ta có thể không rõ phải làm gì với các mối quan hệ tình cảm – hoặc
chúng dường như sẽ trở nên quan trọng – nhưng "Tốt hơn hết tôi không nên ở một mình
vào năm 30 tuổi" là một điệp khúc phổ biến.
Ở tuổi 30, mối lo lắng dai dẳng này thoát ra khỏi nơi trú ẩn của nó và trở thành một cơn
hoảng loạn thật sự. Thời điểm chính xác và đỉnh cao áp lực độ tuổi rất đa dạng, phụ thuộc
vào việc người đó sống ở đâu và bạn bè cùng trang lứa với họ đang làm gì. Phụ nữ sẽ cảm
thấy căng thẳng hơn đàn ông vì họ sẽ có ít thời gian hơn để bắt đầu xây dựng gia đình và họ
cảm thấy bất lực hơn khi tưởng tượng cảnh ngồi chờ đợi mỏi mòn một chiếc nhẫn đính ước.
Theo kinh nghiệm của tôi, Giới hạn tuổi 30 giống hình ảnh Lừa đảo tuổi 30 hơn. Mọi thứ
đang tốt đẹp ở tuổi 29 bỗng chốc trở nên tệ hại và ngay lập tức, ta cảm thấy bị bỏ lại phía
sau. Gần như chỉ sau một đêm, sự cam kết biến từ một cái gì đó về sau thành một thứ của
ngày hôm qua. Hôn nhân biến từ điều ta sẽ lo lắng ở tuổi 30 thành điều ta muốn ở tuổi 30.
Vậy đâu là lúc thích hợp để thật sự nghĩ về chuyện gắn kết với một ai đó? Sự thay đổi đột
ngột này có thể dẫn đến đủ loại vấn đề rắc rối.
Hãy so sánh vài chuyện mà tôi nghe được từ những người trong độ tuổi 20 và 30. Đây là
những gì các bạn trong độ tuổi 20 nói:
Tôi không suy nghĩ nhiều về người tôi hẹn hò. Chuyện trò vui vẻ và chuyện tình dục như ý
là đủ rồi. Cần gì phải lo lắng thêm nữa? Tôi mới 27 tuổi thôi.
Tôi yêu bạn gái mình. Chúng tôi đã quen nhau được 3 năm. Nhưng tôi không định kéo cô ấy
đi cùng con đường với mình khi tôi học cao học. Tôi không được nghĩ về điều đó trong
những năm 20 tuổi này. Tôi hình dung vấn đề này sẽ đến rất lâu sau đó.
Tôi muốn kết hôn ở tuổi 28 và sinh con đầu lòng vào tuổi 31, nhưng tôi cảm thấy thật ngớ
ngẩn khi nói điều đó với mọi người. Có một sự kỳ thị rằng bạn không thể thật sự lên kế
hoạch cho những điều như vậy. Tôi cảm thấy như mình trở lại tuổi 14 và đang chơi trò gia
đình. Bạn trai tôi nói anh ấy muốn sở hữu một ngôi nhà riêng vào năm 35 tuổi. Trong một
cuộc trò chuyện khác, tôi bảo anh ấy rằng tôi muốn có con đầu lòng khi tôi 30 tới 32 tuổi.
Anh ấy bảo tôi rằng quyết định khi nào nên sinh con là không thực tế, vì điều đó còn phụ
thuộc vào sự nghiệp, khả năng tài chính và nơi chúng tôi sẽ sinh sống. Nói vậy sao anh ấy có
thể lên kế hoạch mua nhà ở một độ tuổi nhất định? Điều này giống như một tiêu chuẩn kép.
Và có vẻ như việc lên kế hoạch về sự nghiệp và ổn định tài chính là dễ dàng và thực tế hơn
so với lên kế hoạch về đám cưới và những đứa con.
Bạn trai tôi và tôi đến với nhau đơn giản vì cả hai cùng hướng về bờ Tây. Chúng tôi dọn vào
ở chung khi cùng đặt chân đến đây bởi như vậy dễ sống hơn. Cả hai đều thích chèo thuyền
kayak và có nhiều điểm chung, nhưng chúng tôi không nghiêm túc với mối quan hệ này. Tôi
sẽ không bao giờ cưới anh ấy.
Tôi yêu bạn trai mình và tôi chỉ nói điều này với cô thôi, tôi muốn kết hôn với anh ấy.
Nhưng tôi cảm thấy mình không được phép mong muốn điều đó trong giai đoạn này của
cuộc đời mình. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tạm chia tay nhau để hẹn hò với những
người khác, sau đó lại tâm sự không ngừng và rồi lại quay lại với nhau. Như thể không ai
trong chúng tôi nghĩ rằng đối phương chính là người mình đang tìm kiếm. Như thể nghĩ
như vậy là sai.
Rất nhiều khách hàng trong độ tuổi 20 của tôi hoặc không nghiêm túc trong các mối quan
hệ, hoặc không nghĩ là họ được phép làm như vậy. Đến một lúc nào đó ở độ tuổi 30, kết hôn
bỗng trở thành áp lực. Giờ hãy lắng nghe những khách hàng trong độ tuổi 30 của tôi, một
vài trong số đó chỉ lớn hơn nhóm khách hàng nêu trên một hoặc hai tuổi:
Mỗi lần ai đó trên Facebook thay đổi trạng thái của họ thành đã đính hôn hay kết hôn, tôi lại
hoảng loạn. Tôi tin rằng Facebook được tạo ra để làm những người độc thân cảm thấy tồi tệ
về cuộc đời mình.
Bố luôn bảo tôi, "Đừng giống như dì Betty". Dì ấy sống độc thân.
Bất cứ khi nào bạn trai tôi rời khỏi thị trấn và chúng tôi không gặp nhau một ngày cuối tuần
– hay một tuần – tôi sẽ nghĩ ngay rằng chúng tôi đính hôn muộn thêm một tuần. Tôi chỉ
muốn nhanh chóng "khóa" anh chàng này lại ngay lập tức.
Tôi sẽ không trở thành kẻ lang thang ở các quầy bar trong khi bạn bè đều đã ổn định cuộc
sống.
Năm ngoái, bạn trai tôi đặt một hộp nhẫn dưới cây thông Giáng sinh. Đó không phải là nhẫn
đính hôn. Tôi vẫn còn điên tiết về chuyện đó.
Các buổi tối thứ Sáu và thứ Bảy đều bình thường cho đến khi các cặp đôi bắt đầu đứng lên
và lấy áo khoác ra về. Tôi cố gắng về trước thời điểm đó, vì cảm giác là một trong những
người thừa thật tệ hại.
Tuần tới là sinh nhật tôi và tôi thậm chí còn chẳng muốn ăn mừng. Nó sẽ chỉ nhắc nhở rằng
tôi đã thêm một tuổi nữa mà thôi.
Tất cả những gì tôi đang làm đều là lãng phí thời gian nếu nó không giúp tôi gặp được người
chồng tương lai của mình.
Tôi có người bạn trai tuyệt vời nhất là trong những năm tuổi 20. Chỉ là tôi không hề nghĩ
rằng mình nên kết hôn vào lúc đó. Giờ tôi cảm thấy mình đã bỏ lỡ những người sẵn sàng
tiến đến một cuộc sống hôn nhân ổn định và tôi đang chạy đua để kết hôn với bất kỳ ai tôi
có thể lấy ngay lúc này.
Câu chuyện của khách hàng sau đây có lẽ tóm tắt đúng nhất về những mối nguy hiểm xung
quanh hình ảnh Lừa đảo tuổi 30:
Hẹn hò trong những năm tuổi 20 đối với tôi cũng như trò chơi đuổi nhạc bắt ghế. Mọi người
đang chạy vòng quanh và đùa giỡn. Thế rồi tôi đến tuổi 30, cảm giác giống như nhạc ngừng
lại và mọi người bắt đầu ngồi xuống ghế. Tôi không muốn mình là người duy nhất vẫn đứng
mà không giành được chiếc ghế nào. Đôi khi tôi nghĩ tôi kết hôn với người chồng này chỉ vì
anh ấy là chiếc ghế gần nhất khi tôi chạm đến tuổi 30. Đôi khi tôi nghĩ lẽ ra tôi nên chờ đợi
để gặp một nửa đúng hơn của mình và đáng lẽ tôi đã nên làm vậy, nhưng quá nhiều rủi ro.
Tôi thật sự ước rằng mình đã suy nghĩ về hôn nhân nhiều hơn và sớm hơn. Từ lúc tôi vẫn
còn trong độ tuổi 20 chẳng hạn.
Các chương này không dành để nói về việc những người trong độ tuổi 30 nên ngồi xuống
chiếc ghế gần nhất, tiếp tục kiếm tìm nửa kia của mình, hay liệu họ nên chấp nhận hay tiếp
tục "kén cá chọn canh". Đã có rất nhiều sách báo viết về những điều này. Cuộc tranh luận
này vẫn đang tiếp diễn.
Các chương tiếp theo đề cập đến những người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi 20 không
chấp nhận ổn định cuộc sống – không chấp nhận lãng phí những năm tháng tuổi 20 cho
những mối quan hệ tình cảm tiêu chuẩn thấp hoặc chẳng có tiêu chuẩn nào cả, những mối
quan hệ hầu như không có hy vọng hay mục đích thành công. Các chương tiếp theo sẽ nói về
việc không nên chờ đợi để kén chọn trước khi nhận ra bạn đang ở tuổi 30 và những tấm
thiệp cưới bắt đầu kéo đến. Chúng nói về việc hãy kén chọn đúng chỗ khi bạn vẫn còn có thể
cân nhắc kỹ càng về việc khẳng định cuộc đời mình. Ngoài ra, cũng như với công việc,
những mối quan hệ tốt không tự nhiên đến khi ta sẵn sàng. Có thể sẽ cần vài lần thử trước
khi ta biết được tình yêu và cam kết thật sự là gì.
Hồi tôi còn đang trong độ tuổi 20, nghiên cứu về những câu chuyện hôn nhân khó khăn, tôi
gặp khách hàng đầu tiên của mình, một cô gái 26 tuổi tên là Alex. Khi được giao phụ trách
trường hợp của Alex, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Khi đó, tôi là một nghiên cứu sinh chưa đủ lâu
để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng tôi nghĩ mình có thể đảm trách
được những người trong độ tuổi 20. Alex không có bệnh gì và với những câu chuyện vui mà
Alex mang đến các buổi trị liệu, tôi có thể dễ dàng gật gù trong các cuộc trò chuyện. Nhưng
công việc của tôi là phải xem xét cuộc đời những năm tuổi 20 của Alex một cách nghiêm túc.
Tôi chỉ chưa nhận ra điều đó.
Sếp của tôi cho tôi biết rằng liệu pháp trị liệu tâm lý bằng cách gật đầu lắng nghe bệnh nhân
thường thấy trên truyền hình là một hành động rập khuôn và nếu tôi muốn trở nên có ích
hơn thì cần phải bớt kiên nhẫn một chút. Đây là tin tốt vì tôi rất thiếu kiên nhẫn. Nhưng tôi
không biết cần phải bớt kiên nhẫn về chuyện gì. Không phải sếp tôi đã nghe thấy rồi đó sao?
Sự nghiệp muộn hơn, hôn nhân muộn hơn, con cái muộn hơn, thậm chí cái chết cũng muộn
hơn. Những người trong độ tuổi 20 như Alex và tôi chẳng có gì ngoài thời gian cả.
Đối với tôi, những năm tháng tuổi 20 của Alex có vẻ khó khăn, nhưng thật ra cũng không
đáng kể. Theo cách nhìn của tôi cuộc đời Alex vẫn chưa thực sự bắt đầu. Cô nhảy việc và hẹn
hò với nhiều người đàn ông. Cô không nuôi con nhỏ hay chuẩn bị sở hữu bất động sản. Khi
sếp thúc ép tôi quan tâm hơn về mối quan hệ tình cảm hiện tại của Alex, tôi phản đối: "Đúng
vậy, cô ấy đang hẹn hò, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy cô ấy sẽ lấy chàng trai đó". Sếp
tôi liền nói, "Chưa. Nhưng cô ấy có thể sẽ kết hôn với chàng trai tiếp theo. Dù sao đi nữa,
thời điểm tốt nhất để quan tâm đến hôn nhân của Alex là khi cô ấy chưa kết hôn."
Khi đó tôi mới hiểu.


Lựa chọn gia đình
Những điều khác có thể thay đổi chúng ta, nhưng chúng ta bắt đầu và kết thúc với gia đình.
— Anthony Brandt, nhà văn
Trong thế giới sức khỏe tâm thần, những khách hàng chậm phát triển về tâm hồn là trường
hợp được chăm sóc kém nhất. Họ thường phải tranh đấu với những chứng bệnh tâm thần
nghiêm trọng và có khả năng phải sống chung cả đời với chúng hơn là được chữa trị dứt
điểm. Do phải đầu tư quá nhiều vào chữa trị nên những khách hàng này đang ngày càng lún
sâu hơn vào nhóm thu nhập thấp, và thường không tiếp cận được với dịch vụ điều trị tốt
nhất. Trong khi đó, những khách hàng phát triển cao về tâm thần thường có rất nhiều hỗ
trợ, gia đình hay trường học kết nối họ với các bác sĩ tâm lý tư khi cần thiết.
Những khách hàng với chức năng tinh thần cao này thường trẻ tuổi, lôi cuốn, hoạt ngôn,
thông minh và thành công. Đồng thời những phẩm chất này mang lại cho họ nhiều thuận lợi
cả về mặt tâm lý và xã hội. Như một đồng nghiệp của tôi từng nói, trẻ tuổi nghĩa là "chưa
hoàn toàn phá hỏng cuộc đời mình". Tố chất hoạt ngôn cho phép bạn dễ dàng trao đổi với
bạn bè và sếp khi đánh cược tính cách hay nói về địa vị xã hội của mình. Trí thông minh
mang đến cho bạn những thành tựu và kỹ năng giải quyết vấn đề, thậm chí là khả năng lãnh
đạo. Những người thành công nhìn chung luôn đầy ắp sự tự tin. Và như Aristotle từng nói,
"vẻ đẹp là lời tiến cử tuyệt vời hơn bất kỳ lá thư giới thiệu nào". Vì vậy, nhóm khách hàng
này được đón chào nồng nhiệt gần như ở mọi nơi họ đến và nhiều chuyên gia trị liệu tâm lý
mừng rỡ khi một khách hàng như vậy bước vào.
Tuy vậy, vẫn có hai con đường để trở nên khôn ngoan và hấp dẫn khi bạn còn trẻ: Cuộc đời
tươi đẹp hoặc cuộc đời tệ hại. Khi cuộc đời tươi đẹp, có lẽ họ sẽ đến gặp chuyên gia trị liệu
tâm lý trong một khoảng thời gian, vì vẫn còn một thứ gì đó không suôn sẻ. Nhiều khả năng
là vấn đề khó khăn đó sẽ nhanh chóng được giải quyết và khách hàng này sẽ lại vững bước
trên con đường của mình.
Khi cuộc đời tệ hại, họ sẽ đến gặp chuyên gia trị liệu tâm lý dù bề ngoài trông mọi thứ vẫn
đẹp đẽ nhưng thật ra họ cảm thấy vô cùng khốn khổ và đây chính là điểm khác biệt mà
thậm chí nhiều chuyên gia trị liệu tâm lý cũng không thể nắm bắt được. Đôi khi thật chướng
tai gai mắt khi phải hình dung một người gần như hoàn hảo nhưng lại đang sống một cuộc
đời quá không hoàn hảo. Kết quả sẽ là một cuộc điều trị tâm lý trong đó hình ảnh của khách
hàng cản trở quá trình giúp đỡ mà người đó đang cần. Vị khách hàng tìm đến chú ý vào
những gì không thuận lợi, nhưng chuyên gia trị liệu lại loá mắt trước những gì đã diễn ra tốt
đẹp. Thông thường thành công của tuổi trẻ chính là có khả năng tồn tại được. Một số người
rất giỏi che giấu các vấn đề của mình. Họ giỏi "buông xuôi".
Emma là một người như vậy. Cô lớn lên trong một gia đình gần tầng lớp trung lưu. Thời thơ
ấu trôi qua tương đối tốt đẹp, nhưng sau đó, cũng tương tự như rất nhiều gia đình khác, mọi
thứ nhanh chóng xấu đi. Bố cô ngập trong nợ nần. Mẹ cô trở thành người nghiện rượu. Bố
cô mất việc và tự sát. Emma đi học và chơi với bạn bè như thể không có chuyện gì xảy ra,
nhưng nội tâm của cô luôn chất chứa nỗi buồn.
Ngay lập tức, tôi thích Emma. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì những người sôi nổi
thường gây được thiện cảm. Trong nhiều năm trời, cô đã luôn thể hiện bản thân là một quý
cô nhún nhường trong độ tuổi 20. Cô mang đến cho thế giới những hương vị tinh tế dễ chịu
của mình. Cô hòa đồng với mọi người. Cô làm tốt và sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Những buổi
trị liệu đầu tiên diễn ra khá dễ chịu. Cô luôn đến đúng giờ và thường bắt đầu buổi gặp bằng
câu thăm hỏi tôi.
Một ngày nọ, Emma nhầm lẫn thời gian cuộc hẹn và đến sớm một giờ. Tôi đang có cuộc hẹn
với một khách hàng khác Emma phải ngồi trong phòng chờ, đợi đến khi tới lượt mình. Khi
bước vào phòng tôi, cô lo lắng nói, "Tôi đang 'cắm trại' trong phòng chờ của cô. Có lẽ cô
đang nghĩ rằng tôi đang có vấn đề trầm trọng". Tôi mỉm cười và nói "Hãy kể tôi nghe".
Emma gục vào ghế và òa khóc. Khi ngẩng đầu lên, cô đã sẵn sàng nói chuyện. Cô nói, "Tôi
cảm thấy mình là người cô độc nhất trên thế giới này." Từ đó, tôi càng thích cô hơn.
Emma đã rơi xuống vực thẳm quá sâu đến độ cô cảm thấy mình đang sống một cuộc đời lừa
bịp. Cô đạt kết quả xuất sắc tại ngôi trường hàng đầu, nhưng lại luôn cảm thấy mình như
một kẻ ngoài cuộc, không thuộc về nơi đó. Cuộc sống gia đình cô chẳng hề giống với những
gì mà người khác miêu tả về gia đình họ. Cô luôn giữ riêng cho bản thân những chi tiết thật
về cuộc đời mình. Chỉ trong văn phòng của tôi, quá khứ và hiện tại của cô mới xung đột lẫn
nhau và trong suốt vài năm sau, tôi lắng nghe tất cả những gì Emma đã trải qua – và cả
những gì cô vẫn đang phải đối mặt. Emma đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng danh dự và
khi gia đình các sinh viên khác ùa đến thị trấn với những bó hoa chúc mừng và những bữa
ăn tối chung vui, cô bỏ qua lễ trao bằng và rời thành phố để đi làm một công việc lương cao.
Tôi cảm thấy vừa vui vừa buồn cho cô.
Vài năm sau đó, Emma quay trở lại thị trấn cũ nơi cô từng theo học đại học và chúng tôi lại
tiếp tục những buổi trị liệu tâm lý cùng nhau. Khi đó, cô đang phải đối mặt với tình trạng
của một người trong độ tuổi 20 đã gần như mồ côi và vẫn đang còn rất nhiều điều chờ đợi
phía trước. Cô kiệt sức nhưng đã gặp được vài người bạn tốt. "Bạn không thể lựa chọn gia
đình mình, nhưng luôn có thể lựa chọn bạn bè," cô nói một cách vui vẻ nhưng không mấy
thuyết phục.
Những người bạn của Emma rất tử tế. "Tớ luôn ở bên cạnh cậu!" và "Cậu luôn là một phần
của gia đình tớ!" họ lặp đi lặp lại. Nhưng chỉ một đứa trẻ không gia đình mới thật sự hiểu
được rằng không phải như vậy. Bạn bè có thể tâm sự miên man và cùng nhau khóc lóc hả
hê, nhưng vào những dịp lễ hay những thời điểm khó khăn nhất, mọi người đều tìm đến gia
đình của mình còn Emma luôn bị bỏ rơi.
Một ngày nọ, Emma vùi đầu trên gối và khóc thút thít suốt cả tiếng đồng hồ trị liệu. Cô vừa
mua một cuốn sổ địa chỉ mới, khi đang điền thông tin liên lạc của những người quen, cô đã
phải ngừng tay và nhìn trân trối vào chỗ trống dưới dòng "Trong trường hợp khẩn cấp, vui
lòng gọi". Cô gần như bị kích động khi nhìn tôi và nói, "Ai sẽ xuất hiện nếu xe tôi bị thủng
lốp? Ai sẽ giúp tôi khi tôi bị ung thư?"
Tôi đã phải sử dụng mọi khả năng kiềm chế chuyên nghiệp nhất của mình để không thốt ra,
"Tôi sẽ đến!" Nhưng nói ra câu ấy sẽ chỉ giúp bản thân tôi cảm thấy dễ chịu mà thôi. Thay vì
vậy, tôi cho cô thấy sự quan tâm chân thành của mình khi trả lời, "Chúng ta cần phải tìm
một gia đình mới cho cô."
Ở những năm giữa độ tuổi 20, Emma đã hẹn hò với người đàn ông này được gần 1 năm. Tôi
biết rất nhiều về sự nghiệp của cô nhưng lại chẳng biết nhiều về người này. Tôi thường
được nghe những câu như, "mọi thứ vẫn ổn", "anh ấy vui tính", "chúng tôi vui vẻ bên nhau."
Đối với một người phụ nữ trẻ luôn cảm thấy đơn độc như Emma, mối quan hệ này có vẻ
không thoả đáng, hoặc ít nhất là nó đang bị mô tả một cách không thoả đáng, vì vậy tôi yêu
cầu cô kể thêm về nó.
Tôi được biết rằng bạn trai cô không thích nói nhiều. Anh ta xem tivi thường xuyên và ghét
làm việc. Anh ta hay ghen tuông và quát tháo cô. Tôi không hề thích những gì nghe được về
anh ta và tôi bảo với Emma rằng:
"Tại sao cô đầy tham vọng trong công việc nhưng lại thiếu tham vọng trong các mối quan hệ
đến vậy?"
"Tôi cần phải có một công việc thật tốt để tồn tại", cô trả lời. "Nhưng một mối quan hệ tốt lại
vượt quá những gì tôi dám kỳ vọng. Dù sao tôi cũng chẳng thể đòi hỏi gì thêm được".
"Không. Không phải vậy," tôi nói.
Thông thường, những khách hàng có hoàn cảnh gia đình phức tạp nhất chính là những
người không biết cách đạt được điều họ mong đợi trong tình yêu. Nhưng đây cũng chính là
những người cần phải cẩn trọng nhất. Họ chính là những khách hàng cần một người bạn
đồng hành thật sự cho chính mình nhất.
Emma đến văn phòng tôi vào một ngày thứ Hai. Cuối tuần trước đó, cô vừa gặp bố mẹ bạn
trai lần đầu tiên. Trong cả hai đêm ấy, cô đều gục đầu vào gối khóc và nhớ đến bạn trai cũ.
Điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì Emma và người yêu cũ hầu như luôn làm khổ nhau. Nhưng
tôi cũng nhớ ra rằng cô đã yêu quý gia đình anh ta như thế nào. Họ đã từng có nhiều kỳ nghỉ
tuyệt vời cùng nhau và tận hưởng niềm vui đến từ những điều nhỏ nhặt như cùng xem
phim, ăn tối và đọc báo.
Tôi hỏi kỹ thêm về cảm giác của cô khi dành thời gian bên bố mẹ người bạn trai hiện tại.
Người bố là một nhà thiên văn học, dành phần lớn thời gian ở ngoài trời với ống kính thiên
văn, còn bà mẹ chỉ xem truyền hình. Họ đều không quan tâm đến con trai của họ và Emma.
Điều này khiến tôi khựng lại.
"Emma, cô nói cô không thể lựa chọn gia đình mà mình sinh ra nhưng có thể lựa chọn bạn
bè. Đó chính là sự trưởng thành thật sự. Bây giờ, cô đang chuẩn bị lựa chọn một gia đình và
tôi e lựa chọn này không được chính xác."
Emma rơi nước mắt và nhìn ra cửa sổ văn phòng. "Tôi không thể mong đợi bố mẹ bạn trai
tôi là những người hoàn hảo được. Vì bố mẹ tôi không hoàn hảo."
"Cô nói đúng. Không gia đình nào hoàn hảo cả. Nhưng những giọt nước mắt của cô sau khi
gặp gỡ họ, khiến tôi cho rằng chúng đang chỉ ra một điều gì đó."
"Đúng thế. Tôi không thích gia đình bạn trai tôi."
"Cô có thể tiếp tục học cách sống với sự thật rằng gia đình đó sẽ không bao giờ tương thích
với mình. Có lẽ xây dựng một gia đình nhỏ cho những đứa con sau này của cô là đủ rồi.
Nhưng đó là một việc khó khăn, dành cả đời để cho đi thứ mà cô sẽ không bao giờ nhận lại
được. Khi chọn bạn đời là cô đang có cơ hội thứ hai để có một gia đình."
Emma bắt đầu có tham vọng cho gia đình riêng của mình. Cô mơ đến một người chồng tháo
vát và biết quan tâm đến gia đình cùng hai hay ba đứa trẻ. Cô thậm chí còn cho phép mình
mường tượng bố mẹ chồng là những người đầy yêu thương và quan tâm. Cô mong đợi
những kỳ nghỉ ở vùng biển với ba thế hệ trong một gia đình cùng nhau vui đùa trên bãi cát.
Emma đã có một buổi nói chuyện nghiêm túc để xác định lại mối quan hệ với bạn trai. Ở
tuổi 30, anh ta không chắc liệu mình muốn có con hay không. Và anh ta hướng tới viễn cảnh
sẽ giảm thiểu tối đa thời gian dành cho họ hàng hay bất kỳ ai khác. Anh ta không muốn gia
đình cản trở những việc anh ta vẫn đang muốn làm.
Emma chấm dứt mối quan hệ. Cô cười và nói rằng cuộc đời mình vừa biến thành một tiêu
đề chính trên tạp chí Lá cải mà cô từng đọc thấy: "Cuộc gặp cuối tuần với phụ huynh của
bạn trai sẽ giải thích được rất nhiều điều". Tôi biết cô đang sợ.
Luôn có điều gì đó rất đáng sợ khi lựa chọn gia đình. Việc này chẳng hề lãng mạn. Nó có
nghĩa là bạn không mong đợi nửa kia của mình tìm đến. Nó có nghĩa là bạn biết mình đang
đưa ra những quyết định sẽ ảnh hưởng đến cả phần đời còn lại của bản thân. Nó có nghĩa là
bạn đang nghĩ đến thực tế rằng mối quan hệ của mình cần phải ổn không chỉ ở đây, lúc này
mà còn về sau.
Những người trong độ tuổi 20 không hề sợ hãi về các mối quan hệ của mình thường là
những người ít chín chắn nhất. Tôi không hẳn là vui khi Emma biết sợ, nhưng tôi biết nỗi sợ
của cô ấy là có ích. Điều này đồng nghĩa với việc cô đang nghiêm túc trong chuyện tình cảm,
giống như cô đã luôn nghiêm túc trong sự nghiệp.
Khi mọi người gặp hai đứa con tôi lần đầu tiên, thỉnh thoảng họ nói, "Lựa chọn của đức
vua!" Đó là vì tôi may mắn có cả con trai lẫn con gái, do đó nếu tôi là một ông vua thì tôi sẽ
có con trai kế thừa vương quốc và con gái kết hôn với hoàng tử của vương quốc láng giềng
với hy vọng sẽ được hưởng nhiều đặc ân. Thật kỳ lạ khi viện dẫn hình ảnh đó để nói về việc
hai đứa trẻ sinh ra trong thế kỷ XXI sẽ lớn lên và chọn cách sống của riêng mình. Chưa kể là
tôi cũng nổi gai ốc khi nghĩ về việc dùng cuộc hôn nhân của con gái mình làm một giao dịch
đổi chác. Nhưng cách diễn đạt này cũng nhắc tôi nhớ rằng, trong nhiều thế kỷ, hôn nhân
từng được dùng làm cầu nối giữa các gia đình.
Ngày nay, chúng ta nhìn nhận hôn nhân là sự cam kết giữa hai cá thể. Văn hoá phương Tây
nhìn chung đề cao chủ nghĩa cá nhân, tính tự lập và nỗ lực tự hoàn thiện bản thân trong hầu
hết mọi phương diện. Chúng ta nhấn mạnh quyền lợi trên cả nghĩa vụ và quyền chọn lựa
trên cả trách nhiệm. Điều này đặc biệt đúng với vấn đề hôn nhân. Ngoài vài trường hợp đặc
biệt, chúng ta chưa bao giờ có nhiều tự do đến thế để quyết định nên đồng ý gắn kết cuộc
đời mình khi nào, như thế nào và với ai. Không nghi ngờ gì khi quyết định trên đã dẫn tới vô
số những cặp đôi hạnh phúc, cũng như trải nghiệm được toàn quyền để đưa ra một trong
những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời. Đồng thời, sự nổi bật của mỗi cá thể trong
mối quan hệ khiến chúng ta quên mất một trong những cơ hội tuyệt vời nhất của độ tuổi 20
là lựa chọn và xây dựng gia đình của chính mình.
Những khách hàng như Emma cảm thấy số phận mình đã bất hạnh vì gia đình tan vỡ. Họ
lớn lên với niềm tin rằng gia đình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ, hay đó là thứ chỉ
những người khác mới có được. Giải pháp duy nhất mà họ biết là tìm đến bạn bè, các
chuyên gia tâm lý hoặc bạn trai để giải khuây hoặc đơn giản là quyết tâm không lập gia
đình. Điều không ai nói cho những người trong độ tuổi 20 như Emma biết là cuối cùng và
đột nhiên, họ có thể lựa chọn gia đình của riêng mình – họ có thể xây dựng gia đình của
riêng mình – và đây chính là gia đình mà họ sẽ gắn bó cả cuộc đời. Đây chính là gia đình sẽ
định hình những thập niên tiếp theo.
Emma rời thị trấn đến một thành phố lớn hơn cùng với một công việc tốt hơn. Cô nghiêm
túc hơn về vấn đề gia đình. Cô quyết tâm bù đắp cho bản thân những gì cô đã không có
được trong suốt quãng đời trước đó của mình. Khoảng ba năm sau, Emma kết hôn với
người đã mang đến cho cô cơ hội thứ hai để xây dựng gia đình. Cô và chồng sống hạnh phúc,
mãn nguyện cùng đứa con nhỏ. Emma viết rằng bố mẹ chồng đã mua một căn hộ trong thị
trấn để họ có thể dễ dàng chăm sóc những đứa cháu và trở thành một phần thân thuộc
trong cuộc đời chúng. Hai người chị em chồng cũng sống gần đó, cùng tham gia những bữa
tối vui vẻ và những kỳ nghỉ bên bãi biển.
Giờ đây cô nhận thấy chỗ trống để điền thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp không
còn đủ nữa.


Hiệu ứng sống thử
Tận dụng là cách nghèo nàn để giải quyết chúng. Cuộc đời tôi là chuỗi những cuộc đào tẩu
khỏi vũng lầy đó.

----Rose Wilder Lane, nhà văn và một trong những nhà sáng lập phong trào Tự do chủ nghĩa ở Mỹ

của phong trào Tự do Chủ nghĩa ở Mỹ
Ở tuổi 32, bố mẹ Jennifer tổ chức cho cô một bữa tiệc cưới xa xỉ đậm chất vùng quê rượu
vang, trọn vẹn với ngập tràn hoa tulip hồng và âm nhạc tuyệt vời. Khi đó, Jennifer và Carter
đã chung sống với nhau được hơn 3 năm. Những người thân thuộc nhất của họ đã đến
chung vui đám cưới này.
Khoảng 6 tháng sau đó kể từ khi Jennifer bắt đầu trị liệu tâm lý với tôi, cô vẫn còn đang viết
nốt những tấm thiệp cảm ơn và tìm luật sư làm thủ tục ly hôn. Carter đã đi ngủ nhờ nhà ai
đó, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi tất cả mọi người nghe tin về cuộc chia tay. Jennifer
nói cô thấy mình như một kẻ lừa dối. "Thời gian tôi dành để lên kế hoạch cho lễ cưới còn
nhiều hơn thời gian tôi được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này," cô nức nở.
Jennifer luôn có bộ dạng lưng chừng giữa một buổi họp và một đêm chè chén quá độ. Cô
mặc đẹp nhưng thường trông có vẻ mệt mỏi và nhếch nhác. Cô từng theo học một ngôi
trường nằm trong top 10 và đang bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quan hệ công chúng để
chứng minh khả năng học vấn của mình. Cô cũng thường tiệc tùng khá bê tha.
Không có chuyên môn nghề nghiệp nhất định nào, Carter vẫn đang nhảy việc. Thay vì hoàn
thành năm cuối đại học, anh lại lên đường đi lưu diễn cùng ban nhạc đồng quê của mình.
Tuy nhóm nhạc tan rã nhưng tình yêu âm nhạc của anh vẫn còn. Anh nhảy việc từ chỗ này
sang chỗ khác trong vai trò một chuyên viên âm thanh và tổ chức ban nhạc. Có lẽ Jennifer và
Carter là cặp đôi thú vị và hippie nhất trong nhóm của họ. Họ thích bàn với nhau về các buổi
diễn tiếp theo để đi xem.
Sau đám cưới, các cuộc trò chuyện thay đổi. Một chuyên viên bất động sản đã cùng họ tính
toán các khoản thế chấp mua nhà. Sinh con sẽ khiến tình trạng tài chính của họ tệ hơn.
Jennifer hy vọng sẽ làm việc bán thời gian khi các con còn nhỏ, vì vậy Carter sẽ sớm phải
kiếm được nhiều tiền hơn. Cô bắt đầu nghĩ về việc chuyển về sống ở New Hampshire, nơi
mọi thứ đều rẻ hơn và bố mẹ cô sẽ có thể giúp một tay. Nhưng Carter muốn ở lại đây, có thể
là mãi mãi. Cuộc sống ngập tràn niềm vui của họ nhanh chóng chuyển thành sự bế tắc ảm
đạm.
Điều khiến Jennifer nản lòng nhất là cô cảm thấy mình đã cố hết sức để làm mọi thứ một
cách đúng đắn. "Bố mẹ tôi kết hôn sớm. Họ hẹn hò trong khoảng 6 tháng và tôi biết là mẹ tôi
chưa từng quan hệ tình dục trước khi kết hôn. Làm sao họ biết được liệu cuộc hôn nhân có
thành công hay không? Carter và tôi đều lớn tuổi hơn bố mẹ tôi lúc đó. Chúng tôi đã sống
với nhau trong 3 năm trời. Vậy tại sao điều này lại xảy ra?" cô sụt sùi.
Trong ngành trị liệu tâm lý học có một câu nói "đi càng chậm đến đích càng nhanh". Đôi khi
cách tốt nhất để giúp người khác chính là khiến họ bước chậm lại đủ để họ có thể suy xét lại
suy nghĩ của chính mình. Mọi người đều có những lỗ hổng trong lập luận của mình. Nếu
ngừng lại và thắp sáng những lỗ hổng tinh thần này, bạn sẽ thấy được những giả định đang
chi phối hành xử mà bản thân chúng ta không nhận thức được. Nghe Jennifer tâm sự, chúng
ta dễ dàng nhận ra một giả định: Sống chung là một bài kiểm tra tuyệt vời cho hôn nhân.
Đây là một quan niệm sai lầm rất phổ biến.
Tỷ lệ các cặp đôi sống chung ở Mỹ đã tăng hơn 1,5 lần trong 50 năm qua. Năm 1960, khoảng
500.000 cặp chưa kết hôn đang sống chung với nhau. Hiện nay, con số này là gần 8 triệu.
Khoảng một nửa những người trong độ tuổi 20 sẽ sống chung với người yêu ít nhất một lần
trong những năm tuổi 20 của họ. Hơn một nửa số cuộc hôn nhân đều bắt đầu từ việc sống
chung trước đó. Sự thay đổi này diễn ra phần lớn là do cuộc cách mạng tình dục và sự ra đời
của các biện pháp phòng tránh thai. Chắc chắn vấn đề kinh tế của những người trẻ tuổi này
cũng đóng một vai trò đáng kể. Khi nói chuyện với những người trong độ tuổi 20 này, bạn
sẽ nghe thêm một điều khác nữa: sống thử cũng là cách phòng bệnh.
Trong một cuộc khảo sát đại diện toàn quốc, gần một nửa số người trong độ tuổi 20 đồng
tình với phát biểu "Bạn sẽ chỉ kết hôn với người nào đồng ý sống chung với bạn trước hôn
nhân, để cả hai có thể biết được liệu hai người có hòa hợp hay không." Khoảng 2/3 những
người trong độ tuổi 20 tin rằng chuyển đến sống với nhau trước hôn nhân là một cách tốt
để tránh tình trạng ly hôn.
Jennifer cũng nằm trong nhóm này. Không như bố mẹ cô kết hôn quá sớm và quá nhanh rồi
cuối cùng lại ly dị, cô mường tượng rằng mình sẽ thành công hơn họ nếu từ tốn trong việc
kết hôn và chấp nhận sống chung với người yêu trước đó. Nhưng những cặp "sống chung
trước hôn nhân" thực tế lại là những người thỏa mãn ít hơn với cuộc hôn nhân của họ và có
khả năng ly dị cao hơn những cặp không sống chung trước hôn nhân. Đây là điều mà các
chuyên gia xã hội học gọi là hiệu ứng sống thử.
Hiệu ứng sống thử đã khiến nhiều nhà nghiên cứu về hôn nhân cảm thấy khó hiểu. Vài
người đã nghiêng về hướng giải thích rằng ngay từ đầu những người sống thử có lẽ đã ít
câu nệ quan điểm truyền thống và cởi mở hơn với việc ly hôn. Nhưng nghiên cứu lại chỉ ra
rằng hiệu ứng sống thử không thể được giải thích thấu đáo bằng các đặc điểm cá nhân như
tôn giáo, giáo dục và chính trị. Tương tự như vậy, theo kinh nghiệm của tôi, không phải
những người theo phái dân chủ thường sống thử còn những người theo phái bảo thủ lại
không. Trên thực tế, xu hướng sống thử đang tiếp tục lan rộng trong cả hai phe xanh và đỏ –
cũng như nó đang ảnh hưởng lên mọi quốc gia phương Tây khác.
Vậy đâu là nhân tố chịu trách nhiệm cho hiệu ứng sống thử? Tại sao lý thuyết "thử-trướckhi-mua" lại không đảm bảo một mối quan hệ hạnh phúc? Nghiên cứu mới đây nhất chỉ ra
rằng vấn đề nằm ở chính bản chất của sống thử


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen30h.Com